Sáng ngày 14/4/2021, Đại học Kinh tế – Luật ĐHQG TPHCM phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ Ngân hàng ĐHQG TPHCM và Trường Đại học Quốc tế Miền Đông phối hợp tổ chức hội thảo “Cơ sở Khoa học của Liên kết Ngành công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong hội nhập quốc tế”.
Buổi hội thảo có sự tham gia của PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Công nghệ Ngân hàng ĐH Quốc gia TP.HCM – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế – Luật, PGS.TS Nguyễn Chí Hải – Trưởng khoa Kinh tế trường ĐH Kinh tế – Luật – chủ nhiệm đề tài, TS Ngô Minh Đức – Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Quốc tế Miền Đông cùng các học giả, chuyên gia và đại diện các cơ sở ban ngành, doanh nghiệp, báo đài…
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một trong bốn vùng kinh tế trọng điểm có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, do sự liên kết vùng, liên kết ngành còn chưa được chặt chẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế của VKTTĐPN có dấu hiệu chậm lại trong những năm gần đây, đặt ra thách thức lớn đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp và các tỉnh, thành trong khu vực.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Công nghệ Ngân hàng ĐH Quốc gia TP.HCM – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế – Luật nhấn mạnh 3 điểm cần được làm rõ trong hội thảo lần này bao gồm cơ sở khoa học và thực tiễn của việc liên kết vùng, liên kết ngành đối với sự phát triển của VKTTĐPN, sự cần thiết của việc liên kết cả nội vùng và ngoại vùng đồng thời đề xuất được các chính sách tăng cường và phát triển liên kết vùng, liên kết ngành.
VKTTĐPN bao gồm 7 tỉnh và thành phố là TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Long An với diện tích tự nhiên 2.804.300 ha; dân số 12.607.500 người, bằng 8,5% diện tích tự nhiên và 15,6% dân số cả nước (Nguồn: Niên giám thống kê 2003).
Về mặt địa giới, VKTTĐPN về cơ bản trùng với địa bàn trọng điểm du lịch TP. Hồ Chí Minh và phụ cận – một trong những trung tâm du lịch lớn nhất ở Việt Nam; phía Bắc giáp Bình Thuận, Lâm Đồng; phía Nam giáp Tiền Giang, Bến Tre; phía Tây giáp Campuchia và phía Đông giáp với biển Đông. VKTTĐPN có chiều dài bờ biển hơn 200km, nơi có nhiều bãi biển đẹp tại Vũng Tàu, Long Hải…
Với đặc điểm đa dạng và phong phú về điều kiện tự nhiên và tài nguyên du lịch, bao gồm cả tài nguyên du lịch nhân văn trên nền văn hóa đặc sắc của dân tộc Mạ, Chơ Ro, Chăm, Khơme v.v. và các di tích lịch sử – văn hóa có giá trị như các di chỉ khảo cổ vương quốc Phù Nam, Trung ương cục, Căn cứ Tà Thiết, Củ Chi đất thép, Căn cứ Rừng Sát (Cần Giờ – TP.HCM), các làng nghề, VKTTĐPN có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch như du lịch văn hóa, du lịch tham quan, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng (núi và biển), du lịch thể thao…