Chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế Bình Dương trong bối cảnh mới

Đó là chủ đề chính của buổi tọa đàm được tổ chức vào chiều ngày 04/12, chương trình nằm trong khuôn khổ của Hội nghị thường niên các nhà kinh tế Việt Nam lần thứ 15 năm 2024 (VEAM) diễn ra tại Trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) từ ngày 04 – 06/12.

TS Ngô Minh Đức – Hiệu trưởng EIU phát biểu khai mạc chương trình

Phát biểu tại chương trình, ông Quảng Văn Viết Cương – Phó Tổng Giám đốc Becamex IDC; Phó Chủ tịch Hội đồng trường EIU cho hay: Bình Dương từ một tỉnh thuần nông thông qua nhiều chính sách đột phá đã thu hút đầu tư và trở thành một trong các tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu của Việt Nam, tổng thu hút FDI đến nay của Bình Dương đứng thứ 3 cả nước, thu nhập bình quân đầu người đứng đầu cả nước.

Ông Quảng Văn Viết Cương – Phó Tổng Giám đốc Becamex IDC; Phó Chủ tịch Hội đồng Trường EIU chia sẻ tại tọa đàm

Becamex đã đầu tư thành lập EIU với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phục vụ nhu cầu thiết thực tại địa phương và cả nước. Tôi tin rằng, những nghiên cứu của các giáo sư, chuyên gia trong cộng đồng học thuật sẽ đóng góp rất lớn vào việc hoạch định chính sách, định hướng phát triển cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Do đó, đây sẽ là cơ hội để tôi được lắng nghe, trao đổi với các chuyên gia từ đó tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề thực tiễn tại Bình Dương hiện nay” – Ông Quảng Văn Viết Cương nhấn mạnh.

Tiếp nối chương trình, các chuyên gia đã lần lượt chia sẻ đến tọa đàm những nội dung liên quan đến việc chuyển đổi xanh trong công nghiệp tại Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng, cụ thể như: TS Nguyễn Thanh Trọng – Phó Hiệu trưởng EIU chia sẻ với chủ đề “Chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tỉnh Bình Dương trong bối cảnh mới”; TS Đặng Quang Vinh – Chuyên gia kinh tế cấp cao Ngân hàng Thế giới chia sẻ về chủ đề “Chuyển đổi xanh công nghiệp ở Việt Nam: Cơ hội, thách thức và hành động chính sách”;  TS Lý Duy Khiêm –  Giám đốc Trung tâm IOC, Tổng Công ty Becamex IDC trình bày về chuyển đổi xanh trong quá trình phát triển công nghiệp và đô thị của Tổng Công ty Becamex IDC.

TS Nguyễn Thanh Trọng – Phó Hiệu trưởng EIU trình bày đề dẫn tại tọa đàm

Dịp này, trong phiên thảo luận về kinh tế Việt Nam, GS Lê Văn Cường – Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp, Trường Kinh tế Paris – FNCSR, Thành viên Hội đồng chuyên môn VEAM đã trình bày đến các đại biểu những nội dung liên quan đến kinh tế Việt Nam với chủ đề “Xem xét kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 – Nhìn về tương lai”. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập 91.9 tỷ USD tư liệu sản xuất điều này tương đương với 61.7% GDP của 6 tháng đầu năm 2024. Như vậy để sản xuất Việt Nam phải nhập rất nhiều tư liệu sản xuất.

GS Lê Văn Cường trao đổi với các chuyên gia về những nội dung liên quan đến kinh tế Việt Nam

Liên quan đến nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI), GS Lê Văn Cường cho biết: Xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Theo GSO, gần 72% giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 6 tháng đầu năm đến từ khu vực này trong khi đó giá trị nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 63% tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa của cả nước. Như vậy, khu vực có vốn nước ngoài trong 6 tháng đầu năm đã đóng góp cho GDP 13 tỷ USD, tương đương với 9% GDP.

Tuy nhiên, chi phí cho đổi mới sáng tạo, nghiên cứu (R&D) của Việt Nam hiện nay chỉ chiếm 0.4% GDP, trong khi đó mỗi năm nước Pháp dành trung bình 2.2% GDP cho R&D, trong đó 66% do các công ty chi, 34% của các cơ quan chính quyền (Đại học, cơ quan nghiên cứu v.v..) chi.

Phiên thảo luận mở do TS. Nguyễn Thanh Trọng – Phó Hiệu trưởng EIU, PGS TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương, TS. Đặng Quang Vinh – Chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cùng TS Nguyễn Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển chủ trì

Sáng nay (05/12) Hội nghị thường niên các nhà kinh tế Việt Nam lần thứ 15 năm 2024 (VEAM) đã khai mạc tại EIU. Năm nay, EIU cùng Trường Đại học Ngoại thương, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách & Phát triển (DEPOCEN) và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) đăng cai tổ chức.

Đây là sự kiện thường niên dành cho các nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực kinh tế, chính sách công, tài chính v.v.. Ngoài ra, VEAM còn là cơ hội để giảng viên và chuyên viên EIU trau dồi, học hỏi những kết quả nghiên cứu từ các nhà kinh tế tại Việt Nam nói riêng cũng như những nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới nói chung liên quan đến các chủ đề của Hội nghị./.