Ngành đào tạo: | Kỹ Thuật Phần Mềm |
Tên chương trình: | Cử nhân Kỹ thuật phần mềm
(Bachelor of Software engineering ) |
Trình độ đào tạo: | Đại học |
Mã số ngành đào tạo: | 7480103 |
Tên văn bằng: | Cử nhân Kỹ thuật phần mềm
(Bachelor of Software engineering ) |
Loại hình đào tạo: | Chính quy |
Đơn vị đào tạo: | Khoa Công nghệ thông tin |
Ngành Kỹ thuật phần mềm là một trong những ngành đào tạo đầu tiên của trường ĐH Quốc Tế Miền Đông, bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2011-2012. Trải qua 13 năm hình thành và phát triển, ngành KTPM đã và đang đào tạo hàng ngàn sinh viên, cung ứng cho xã hội hàng trăm cử nhân, được các doanh nghiệp đón nhận và đánh giá cao về và năng lực chuyên môn và phẩm chất.
Chương trình đào tạo năm 2023 tiếp nối thành công của chương trình hiện có, có điều chỉnh một số nền tảng cho phù hợp với sự phát triển của ngành, sự xuất hiện của các nền tảng công nghệ mới, và nhu cầu mới của doanh nghiệp và xã hội. CTĐT 2023 đã cập nhật chuẩn đầu ra theo tiêu chuẩn ABET mới ban hành năm 2019. CTĐT, đề cương chi tiết, phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra và đánh giá cũng đã thay đồi để nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp giải quyết vấn đề, kỹ thuật thiết kế và chiến lược học tập phù hợp.
Chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng giáo dục: CTĐT đạt được chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GDĐT năm 2023. Chương trình được xây dựng và liên tục cải tiến, đảm bảo bắt kịp xu hướng, tiến bộ của công nghệ và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
Học đi đôi với hành và trải nghiệm thực tiễn: Chương trình không chỉ cân bằng giữa lý thuyết và thực hành mà còn đặc biệt chú trọng vào việc phát triển các kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề. Sinh viên sẽ có cơ hội tham gia vào quá trình giải quyết các tình huống, dự án thực tế. Điều này giúp họ rèn luyện tư duy sáng tạo và khả năng ứng biến linh hoạt, từ đó tự tin hơn khi đối mặt với các thách thức trong công việc sau khi tốt nghiệp.
Tỉ lệ có việc làm cao: Với chương trình học thực tế và mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, nhiều sinh viên đã tìm được việc làm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường hoặc ngay sau khi tốt nghiệp. Điều này thể hiện sự hiệu quả và tính phù hợp của chương trình với nhu cầu của thị trường lao động.
Hỗ trợ phát triển nghề nghiệp: Nhà trường cung cấp các dịch vụ hỗ trợ phát triển nghề nghiệp, bao gồm hướng dẫn viết CV, tạo cơ hội kết nối với nhà tuyển dụng, và tổ chức các chương trình kiến tập, thực tập tại doanh nghiệp. Những hoạt động này không chỉ giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm thực tế mà còn mở ra cơ hội tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành ngay sau khi tốt nghiệp.
Cơ hội học tập nâng cao: Với chuẩn đầu ra tiếng Anh IELTS 6.0, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tiếp tục học lên các chương trình sau đại học tại các trường đại học uy tín trong và ngoài nước, mở rộng cơ hội phát triển sự nghiệp của bản thân.
PLO 1. Vận dụng nguyên lý về kỹ thuật, khoa học, và toán học để giải quyết các vấn đề kỹ thuật trong ngành.
PLO 2. Nhận biết tác động của các giải pháp phần mềm dựa trên kiến thức rộng trong các lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, an toàn, phúc lợi, cũng như tác động về mặt kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, môi trường, và toàn cầu.
PLO 3. Nhận diện, mô hình hóa, và giải quyết vấn đề kỹ thuật phức tạp.
PLO 4. Vận dụng kỹ thuật thiết kế để tạo ra giải pháp phù hợp với yêu cầu.
PLO 5. Thiết kế và triển khai thử nghiệm phù hợp, phân tích và diễn giải dữ liệu, và vận dụng quy trình kỹ thuật đánh giá kết quả.
PLO 6. Giao tiếp hiệu quả với đa dạng đối tượng.
PLO 7. Làm việc nhóm hiệu quả trong đó các thành viên cùng thể hiện khả năng lãnh đạo, tạo ra môi trường làm việc cộng tác, thiết lập mục tiêu, lên kế hoạch, và hoàn thành mục tiêu đặt ra của nhóm.
PLO 8. Có khả năng nhận thức được trách nhiệm về đạo đức nghề nghiệp và đánh giá các tình huống khác nhau một cách hợp lý.
PLO 9. Có khả năng tiếp thu và vận dụng kiến thức mới theo nhu cầu, thông qua các chiến lược học tập phù hợp.
Ngoại ngữ
Sinh viên tốt nghiệp phải đạt yêu cầu tiếng Anh IELTS tối thiểu 6.0 (được quy định trong Quy chế đào tạo theo học chế tín chỉ bậc đại học ban hành theo Quyết định số 299/QĐ-ĐHQTMĐ ngày 14/10/2022).
Sinh viên tốt nghiệp có thể đảm nhiệm các vị trí khác nhau trong lĩnh vực phần mềm như Kỹ sư phần mềm, trưởng nhóm, quản lý dự án, Kiến trúc sư phần mềm, Giám đốc IT, Chuyên gia nghiên cứu, Giảng viên; đảm nhiệm các vị trí thuộc đa dạng lĩnh vực trong các công ty, trường, viện trong nước và quốc tế.
Đối tượng dự tuyển
- Đã được công nhận tốt nghiệp THPT của Việt Nam hoặc có bằng tốt nghiệp của nước ngoài được công nhận trình độ tương đương;
- Đã có bằng tốt nghiệp trung cấp ngành nghề thuộc cùng nhóm ngành dự tuyển và đã hoàn thành đủ yêu cầu khối lượng kiến thức THPT theo quy định của pháp luật (tham gia và hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm hiện hành).
Đối tượng dự tuyển phải đáp ứng các điều kiện sau
- Đạt ngưỡng đầu vào theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học trong năm dự tuyển;
- Có đủ sức khỏe để học tập;
- Có đủ thông tin cá nhân, hồ sơ dự tuyển theo quy định.
Phương thức
- Trường tổ chức xét tuyển bằng các phương thức chính sau: phương thức xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; phương thức xét tuyển theo kết quả học tập học bạ THPT; phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia – Tp. Hồ Chí Minh; và phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển.
- Thông tin về đối tượng tuyển sinh, phạm vi tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, điều kiện nhận hồ sơ, nguyên tắc xét tuyển và các thông tin cần thiết cho thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành của Trường được quy định cụ thể trong Đề án tuyển sinh của Trường được công bố mỗi năm.
Xem các thông tin tuyển sinh tại: Tuyển sinh EIU (https://eiu.edu.vn/tuyen-sinh/)