TÓM TẮT
Kỹ thuật Y Sinh (KTYS) hiện đang là một lĩnh vực nổi bật thu hút sự quan tâm trên thế giới. Đây là một thực thể liên ngành đa lĩnh vực ứng dụng công nghệ tiên tiến (nano, tế bào gốc,mạng kết nối vạn vật, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, blockchain) vào việc tạo ra các thiết bị phục vụ chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe, cũng như các phương pháp nghiên cứu mới giúp hiểu biết sâu hơn về tiến trình sinh học con người. KTYS là sự kết hợp hài hòa giữa các kỹ thuật (cơ khí, điện, điện tử, viễn thông, quang học, tin học) với các ngành khoa học sự sống (sinh học, y, dược, nha). KTYS gồm nhiều chuyên ngành như thiết bị y tế, điện tử y tế, cơ y sinh, công nghệ sinh học, tin y sinh, v.v. Xu hướng liên ngành đa lĩnh vực mà ngành KTYS là tiền đề hiện nay đươc áp dụng trong các ngành STEM và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Lịch sử phát triển cũng như ứng dụng của KTYS trên thế giới và tình hình ở Việt Nam sẽ được trình bày với vài ví dụ cụ thể.
GS.TS. Võ Văn Tới đậu Tiến sĩ ngành Vi Kỹ thuật năm 1983 tại trường Bách Khoa Liên bang Lausanne (EPFL), Thụy Sĩ. Từ năm 1983 đến 1984 ông làm việc Sau Tiến sĩ trong chương trình liên kết Khoa học và Công nghệ Sức khỏe giữa ĐH Harvard và Massachusetts Institute of Technology, Hoa Kỳ. Từ năm 1984 đến 2009, ông là giáo sư tại trường Bách Khoa của Đại học Tufts, Hoa Kỳ. Từ năm 1991 đến 1992 ông là Giáo sư thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Mắt Scheie của ĐH Pennsylvania, Hoa Kỳ. Năm 1992 ông sáng lập Viện Nghiên cứu Mắt tại Sion, Thụy Sĩ và làm Phó Giám đốc đến năm 1994. Năm 2003 ông thành lập Bộ môn Kỹ thuật Y Sinh (KTYS) tại ĐH Tufts. Từ năm 2007 đến 2009, Tổng thống Hoa Kỳ G. Bush bổ nhiệm ông làm Giám đốc Điều hành của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF). Năm 2009 ông trở về Việt Nam thành lập Bộ môn KTYS của trường ĐH Quốc tế (ĐHQT) thuộc ĐH Quốc gia TP HCM (ĐHQG-HCM) và là Trưởng Bộ môn từ đó đến 2018. Năm 2020 ông sáng lập Bộ môn KTYS tại Khoa Y của ĐHQG-HCM. Hoạt động nghiên cứu chính của ông gồm: Thiết kế và ứng dụng Thiết bị Y tế, Cơ chế của hệ thống thị giác con người, Nhãn khoa, và Y tế Viễn thông. Ông có nhiều bài báo đăng trong tạp chí quốc tế, sách và bằng sở hữu trí tuệ. Những nghiên cứu của ông được những cơ quan trong và ngoài nước tài trợ.