Tên tác giả: TS. Lê Ngọc Huẩn
Cuộc CMCN lần thứ tư tạo ra nhiều cơ hội, thách thức cho nền kỹ thuật, công nghệ và kinh tế trên phạm vi toàn toàn cầu. Xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu thông qua các hệ thống mạng vật lý, mạng Internet kết nối vạn vật đã tạo nên sự cần thiết và thuận lợi cho việc tạo ra các phương thức quản trị tối ưu và tăng năng lực cạnh tranh của các đối tượng tham gia chuỗi cung ứng. Trong đó, nhà kho thông minh được đánh giá sẽ mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với nhà kho truyền thống; như tối ưu hóa được không gian lưu trữ, giảm chi phí năng lượng, chi phí lao động; tăng độ chính xác trong việc bốc dỡ hàng hóa cũng như giảm thiểu thiệt hại sản phẩm.
Dự án nhà kho thông minh tại EIU là một trung tâm khảo nghiệm ứng dụng áp dụng mô hình vật lý thu nhỏ (prototype), trong đó các tác động, ảnh hưởng và kết quả được giả lập dựa trên các giả định của môi trường thực tế. Trung tâm khảo nghiệm giúp sinh viên có cơ hội áp dụng các kiến thức đã học để ra các quyết định như trong môi trường làm việc thực tế. Bên cạnh đó, với mong muốn được nâng cao tiêu chuẩn dạy và học theo hướng ứng dụng thực hành cho ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh cụ thể là ngành chuỗi cung ứng tại Việt Nam và trở thành trung tâm thử nghiệm phục vụ các công ty sản xuất khu vực lân cận, việc xây dựng phòng thí nghiệm có kích thước 1:10 với các chức năng hoạt động như một hệ thống thực tại EIU là một bước tiến quan trọng.
Do đó, dự án “Nhà kho thông minh” được triển khai để tạo nền tảng cho việc dạy, học và nghiên cứu tại ba khoa Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật và Công nghệ thông tin. Đặc biệt, dự án xây dựng nền tảng cho trung tâm khảo nghiệm giúp các doanh nghiệp kiểm định các ứng dụng để tối ưu hóa quy trình quản lý kho vận, tránh các rủi ro và tốn kém trước khi áp dụng mô hình vào thực tế.

