Sinh viên tìm hiểu về quá trình mở rộng Sài Gòn – TP.HCM qua góc nhìn chuyên gia

Ngày 23/7, Trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) đã tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề “Quá trình mở rộng Sài Gòn – TP.HCM”. Chương trình thu hút sự tham gia đông đảo của sinh viên Nhà trường với mong muốn tìm hiểu về quá trình hơn 300 năm hình thành, phát triển của Tp. Hồ Chí Minh cũng như những định hướng của Tp. Hồ Chí Minh mới trong tương lai.

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến chia sẻ tại chương trình

Với nhiều năm nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và kiến trúc đô thị, tại chương trình Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến, tác giả đạt giải Vàng sách “Kiến trúc Pháp – Đông Dương, dấu tích Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông” đã chia sẻ với sinh viên về 9 giai đoạn trong quá trình hình thành, mở rộng và phát triển của Tp. Hồ Chí Minh.

Sinh viên đặt câu hỏi đến diễn giả

Theo đó, với những giai đoạn trên Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến ví von như 9 lần “sinh nhật” của Tp. Hồ Chí Minh, mỗi giai đoạn của Tp. Hồ Chí Minh được diễn giả xem xét, bình luận với nhiều góc nhìn từ bối cảnh lịch sử, kinh tế, con người hoặc vấn đề quy hoạch của thành phố. Có thể thấy, từ vùng đất Gia Định xưa đến giai đoạn Sài Gòn và sau đó là Tp. Hồ Chí Minh, trải qua hơn 3 thế kỷ, Tp. Hồ Chí Minh đã không ngừng mở rộng về không gian, luôn giữ vai trò là đầu mối giao thương, cửa ngõ quốc tế quan trọng, được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”.

TS Nguyễn Thanh Trọng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường gửi lời cảm ơn đến Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến đã đến EIU chia sẻ các nội dung tại chương trình

Dịp này, diễn giả đã phân tích các giá trị văn hóa, kiến trúc và xã hội của Tp. Hồ Chí Minh cũng như đưa ra những định hướng chiến lược trong bối cảnh đô thị hóa, toàn cầu hóa và phát triển của Tp. Hồ Chí Minh mới trong tương lai với sinh viên qua góc nhìn của diễn giả.

Hiện nay, trong bối cảnh phát triển của đất nước, Tp. Hồ Chí Minh mới (được hình thành sau sáp nhập tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũ và tỉnh Bình Dương cũ vào Tp. Hồ Chí Minh) sẽ là siêu đô thị vùng, phát triển đồng bộ về hạ tầng, logistics, dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính và thương mại tầm cỡ khu vực. Thông qua những chia sẻ của Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến tại chương trình, sinh viên Nhà trường không chỉ hiểu sâu hơn về vùng đất mà mình đang học tập, sinh sống mà còn hun đúc niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc xây dựng và phát triển Tp. Hồ Chí Minh ngày càng văn minh, hiện đại và bền vững./.

Một số hình ảnh tại chương trình: