Khai mạc Hội nghị thường niên các nhà kinh tế Việt Nam lần thứ 15 năm 2024 (VEAM)

Sáng nay (05/12), Hội nghị thường niên các nhà kinh tế Việt Nam lần thứ 15 năm 2024 (VEAM) chính thức khai mạc tại Trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU). Hội nghị thu hút nhiều nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước tham dự.

Năm nay, EIU cùng Trường Đại học Ngoại thương, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) đăng cai tổ chức.

Đây là sự kiện thường niên dành cho các nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước trong lĩnh vực kinh tế, chính sách công, tài chính v.v.. Ngoài ra, VEAM còn là cơ hội để giảng viên và chuyên viên EIU trau dồi, học hỏi những kết quả nghiên cứu từ các nhà kinh tế tại Việt Nam nói riêng cũng như những nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới nói chung liên quan đến các chủ đề của Hội nghị.

TS Ngô Minh Đức – Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc chương trình

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS Ngô Minh Đức – Hiệu trưởng EIU cho biết: Vào năm 2025, EIU đánh dấu cột mốc 15 năm hình thành và phát triển, EIU đang nỗ lực phát triển một hệ sinh thái toàn diện nhằm thúc đẩy đổi mới và chuyển đổi trong bối cảnh công nghiệp 4.0, Nhà trường tập trung vào các nghiên cứu liên ngành, ứng dụng và chuyển giao công nghệ giúp giải quyết các vấn đề thực tế của địa phương; Thúc đẩy phát triển bền vững dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tham gia Hội nghị, Nhà trường thể hiện sự quyết tâm trong việc tích cực kết nối với cộng đồng học thuật, xây dựng mạng lưới hợp tác và nghiên cứu từ đó tìm ra những cách tiếp cận mới, các giải pháp sáng tạo từ đó mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng cũng như nền kinh tế quốc gia.

GS Lê Văn Cường chia sẻ tại chương trình

Tiếp nối chương trình, GS Lê Văn Cường – Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp, Trường Kinh tế Paris – FNCSR, Thành viên Hội đồng chuyên môn VEAM đã chia sẻ đến Hội thảo về quá trình và phát triển của VEAM từ những ngày đầu thành lập cho đến thời điểm hiện tại cũng như những định hướng cho tương lai về kế hoạch hoạt động của VEAM gắn liền với các nghiên cứu khoa học liên quan đến kinh tế, tài chính.

Hội nghị thường niên các nhà kinh tế Việt Nam diễn ra từ ngày 04 – 06/12/2024, các công trình nghiên cứu sẽ được trình bày tại hơn 20 phiên thảo luận của Hội thảo. Năm nay, các công trình nghiên cứu tập trung xoay quanh những chủ đề liên quan đến Kinh tế học sức khỏe; Kinh tế phát triển; Kinh tế môi trường; Đổi mới công nghệ; Vốn nguồn lực; Thương mại và Đầu tư; Những vấn đề về kinh tế vĩ mô; Lao động và việc làm; Đổi mới công nghệ cũng như Hành vi người tiêu dùng v.v..

Tại Hội nghị, PGS TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương tin rằng những chia sẻ của các chuyên gia sẽ đóng góp tích cực vào sự thành công của chương trình

Một trong những điểm nhấn của Hội nghị năm nay là sự xuất hiện của các diễn giả chính – những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính và kinh tế như GS Raouf Boucekkine – Aix-Marseille School of Economics, Aix-Marseille University; GS Ian Coxhead – Institute of Developing Economics và GS Đặng Việt Anh – Alliance Manchester Business School, The University of Manchester.

GS Ian Coxhead – Institute of Developing Economics trình bày nghiên cứu tại chương trình

Sau chương trình khai mạc, phiên thứ nhất và thứ hai của VEAM đã diễn ra với 15 phiên thảo luận xoay quanh các chủ đề như Kinh tế học sức khỏe; Kinh tế phát triển; Kinh tế môi trường; Đổi mới công nghệ; Vốn nguồn lực; Thương mại và Đầu tư; Những vấn đề về kinh tế vĩ mô v.v.. Đặc biệt, trong hai phiên của ngày đầu tiên tại VEAM, EIU đã trình bày 3 bài báo cáo liên quan đến chủ đề Tài chính và Đầu tư cũng như Kinh tế phát triển.

Theo đó tại phiên Kinh tế phát triển, ThS Nguyễn Phan Trúc Phương và ThS Lâm Thị Hương Trà – Giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh (BBS) đã trình bày chủ đề “Investigating the Nexus of Corruption and E-Government: New Insights from an Empirical Analysis of Digital Infrastructur”; ThS Trần Bảo Khuyên, ThS Huỳnh Minh Bính, ThS Đặng Thái Đoàn – Giảng viên Khoa BBS chia sẻ chủ đề “Using AHP, Social Opinion Mining to Explore Challenges in Mekong Tourism: Evidence from Professionals, Academics and Traveler”. Đối với phiên thảo luận Tài chính và Đầu tư, TS Trần Huy Trụ- Giảng viên Khoa BBS đã báo cáo về chủ đề “Monetary Sovereignty via Foreign Exchange Dependency”

Các chuyên gia đặt câu hỏi trong phiên thảo luận tại chương trình

Theo lịch trình, phiên thứ ba của Hội nghị sẽ diễn ra vào ngày mai (06/12) với 07 phiên xoay quanh những nội dung về Lao động và việc làm; Đổi mới công nghệ cũng như Hành vi người tiêu dùng v.v../.