Hội thảo “Omron Industrial Automation Solutions”

Sáng nay (22/11), Khoa Kỹ thuật Trường Đại học Quốc tế Miền Đông phối hợp cùng Công ty Omron Việt Nam tổ chức Hội thảo “Omron Industrial Automation Solutions”.

Đến tham dự Hội thảo, về phía Công ty Omron Việt Nam có ông Huỳnh Hà Vĩnh Phúc – Trợ lý Giám đốc, Bộ phận Kỹ thuật và Giải pháp tự động hóa, bà Nguyễn Thị Mỹ Ngọc – Bộ phận Phát triển Kinh Doanh. Về phía Nhà trường có PGS. TS Dương Hoài Nghĩa – Trưởng Khoa Kỹ thuật, TS. Nguyễn Xuân Hùng – Phó trưởng Khoa Kỹ thuật, Trưởng Fablab, TS. Lê Ngọc Huẩn – Trưởng bộ môn Cơ khí – Cơ điện tử, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Công nghiệp 4.0 cùng giảng viên, sinh viên của Khoa cũng như quý doanh nghiệp, đối tác của Khoa.

PGS.TS Dương Hoài Nghĩa phát biểu khai mạc tại hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS Dương Hoài Nghĩa cho biết: Omron là công ty dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực tự động hoá, các sản phẩm của Omron có mặt trong nhiều lĩnh vực từ tự động hoá công nghiệp và linh kiện điện tử đến các hệ thống xã hội bao gồm cổng bán vé tự động, máy điều hoà năng lượng, chăm sóc sức khoẻ… Thông qua Hội thảo, Ban Lãnh đạo Khoa Kỹ thuật mong muốn đây là cơ hội để giảng viên, chuyên viên và sinh viên của Khoa tiếp cận công nghệ về trí tuệ nhân tạo trong sản xuất công nghiệp cũng như giao lưu, trau dồi kinh nghiệm với các chuyên gia của Công ty Omron Việt Nam.

Ông Huỳnh Hà Vĩnh Phúc chia sẻ tại chương trình

Tại chương trình, ông Huỳnh Hà Vĩnh Phúc đã thông tin đến giảng viên, chuyên viên, sinh viên Nhà trường, các doanh nghiệp những thông tin xoay quanh về quá trình hình thành và phát triển, các sản phẩm, công nghệ của Công ty… Cụ thể, Hội thảo là cầu nối giữa 3 bên, gồm: Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Công ty Omron Việt Nam và các doanh nghiệp đối tác trong việc tuyển dụng, cung cấp nhân sự chất lượng cao, cập nhật xu hướng công nghiệp, trao đổi chuyển giao công nghệ và nghiên cứu khoa học…

Dịp này, các chuyên gia của Công ty Omron Việt Nam đã chia sẻ đến Hội thảo về những nội dung liên quan đến các chức năng đặc biệt của COBOT như: Chế độ cộng tác và chức năng của camera tích hợp; SYSMAC (PLC + Chuyển động); Những thiết bị cảm biến… Theo đó, COBOT là một Robot thông minh thực hiện các nhiệm vụ với sự cộng tác của con người. Do đó, COBOT khác với Robot tự động ở chỗ nó có thể lập trình và hoạt động cùng với con người./.


Sinh viên và giảng viên Khoa Kỹ thuật đặt câu hỏi cho chuyên gia tại chương trình

Một số hình ảnh tại chương trình: