Hôm nay 08/11/2023, Trường Đại học Quốc tế Miền Đông đã tổ chức Hội nghị Khoa học Trường Đại học Quốc tế Miền Đông năm 2023 (EIUSC 2023) với chủ đề “Nghiên cứu khoa học của trường đại học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Hội nghị diễn ra sôi nổi có sự tham gia của gần 300 nhà nghiên cứu, giảng viên, chuyên viên, sinh viên Nhà trường cùng khách mời từ các trường đại học như King Fahd University of Petroleum and Minerals (Saudi Arabia), Đại học Quốc gia Singapore (NUS), RMIT Việt Nam, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Ngô Minh Đức – Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: Sau thành công của Hội nghị Khoa học EIU 2022 lần thứ nhất, EIU rất hân hạnh được chào đón các nhà nghiên cứu, giảng viên, chuyên viên, sinh viên đến với EIUSC 2023. EIU đang nỗ lực phát triển một hệ sinh thái toàn diện nhằm thúc đẩy đổi mới và chuyển đổi trong bối cảnh công nghiệp 4.0, cụ thể như: Trung tâm Sản xuất Tiên tiến, Trung tâm Đổi mới sáng tạo công nghiệp 4.0, Trung tâm An ninh Mạng… Để duy trì hệ sinh thái đó, một trong những hoạt động thường niên và quan trọng đối với Nhà trường là tạo ra môi trường học thuật cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, chuyên viên, sinh viên có thể gặp gỡ, trao đổi cũng như chia sẻ các vấn đề mang tính vĩ mô và vi mô cần được nghiên cứu, giải quyết.
TS. Ngô Minh Đức – Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc EIUSC 2023
Hội nghị diễn ra với 3 phiên chính, gồm: Phiên toàn thể; Phiên báo cáo của các tiểu ban chuyên ngành và Phiên báo cáo poster. Các phiên xoay quanh 05 chủ đề lớn như: Kinh tế, kinh doanh và Quản lý; Kỹ thuật; Công nghệ thông tin; Khoa học sức khỏe; Quản trị đại học và các chủ đề khác.
GS.TS Ahmed A D Sharhan chia sẻ chủ đề “The Fourth industrial revolution: The current era of smart technology” tại chương trình
Tại phiên toàn thể, GS.TS Ahmed A D Sharhan – King Fahd University of Petroleum and Minerals (Saudi Arabia) đã chia sẻ với Hội nghị về những thách thức của công nghiệp 4.0 trong chủ đề “The Fourth industrial revolution: The current era of smart technology”. Theo đó, có 02 thách thức lớn đối với công nghiệp 4.0 chính là thách thức về Công nghệ và Thách thức mang tính Xã hội. Theo đó, với các yếu tố như An ninh mạng; Độ tin cậy truyền thông & QoS; Vấn đề xử lý Big data… là một trong những yếu tố cấu thành nên thách thức về Công nghệ trong giai đoạn hiện nay.
Tiếp nối chương trình, TS. Nguyễn Thanh Bình và TS. Võ Thị Hồng Diễm – RMIT Việt Nam đã chia sẻ với Hội nghị các nội dung xoay quanh chủ đề “Race with the machines: Assessing the Capability of Generative AI in solving authentic Assessments” cụ thể như: Vai trò của Generative AI trong nghiên cứu, giảng dạy, kế hoạch đánh giá; Cơ hội và thách thức mới đối với giáo dục từ việc đảm bảo kết quả học tập của học sinh; Tận dụng tiện ích của AI đến các bài tập về nhà…
TS. Nguyễn Thanh Bình và TS. Võ Thị Hồng Diễm chia sẻ với Hội nghị các nội dung xoay quanh chủ đề “Race with the machines: Assessing the Capability of Generative AI in solving authentic Assessments”
Tại phiên báo cáo của các tiểu ban chuyên ngành và Phiên báo cáo poster, Hội đồng phản biện và các nhà chuyên môn tham gia thảo luận đều là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu uy tín, giảng viên dày dặn kinh nghiệm đến từ các chuyên ngành thuộc nhiều lĩnh vực của Hội nghị đã mang đến bầu không gian trao đổi học thuật sôi nổi. Các đề tài đều nhận được sự góp ý, nhận xét tích cực từ phía Hội đồng.
Hội đồng trường và Ban giám hiệu EIU trao Giấy Chứng nhận và quà cho các diễn giả tại Phiên toàn thể
Kết thúc Hội nghị, Ban Tổ chức đã trao giấy chứng nhận cho 08 bài thuyết trình và 04 bài poster xuất sắc nhất tại các tiểu ban chuyên ngành. Ngoài ra, các bài báo đạt yêu cầu sẽ được chọn đăng trong kỷ yếu toàn văn (bản in hoặc online có chỉ số ISBN)./.
Một số hình ảnh trong chương trình