Tỉnh Bình Dương nằm ở vùng Đông Nam Bộ, có nền công nghiệp phát triển mạnh mẽ, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài. Hơn 4.000 dự án đầu tư vốn nước ngoài (FDI) đã chọn Bình Dương làm địa điểm đầu tư và sản xuất, góp phần tạo sức bật cho nền kinh tế và xã hội của địa phương. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, Bình Dương đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng để trở thành thành phố thông minh và vùng đổi mới sáng tạo. Từ thực tế này, địa phương đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của doanh nghiệp và xã hội.
Trọng tâm của công nghiệp, thu hút đầu tư
Phát triển thành trọng tâm công nghiệp và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, với những lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng vượt trội, môi trường kinh doanh thân thiện, Bình Dương đã thu hút hàng ngàn dự án đầu tư nước ngoài, từ đó nền kinh tế của tỉnh lớn mạnh, đóng góp đáng kể cho sự phát triển của cả nước. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà, toàn tỉnh hiện có hơn 53.000 doanh nghiệp trong nước và hơn 4.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 40 tỷ USD. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.
Nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra mục tiêu: “Phát triển nguồn lao động có tay nghề đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có cơ cấu hợp lý, gắn đào tạo với giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dân. Đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó có văn bằng chứng chỉ là 35% (tăng trung bình 1%/năm). Hàng năm, giải quyết việc làm tăng thêm khoảng 35.000 lao động”.
Để bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư và biến đổi thành một thành phố thông minh và vùng đổi mới sáng tạo, Bình Dương cần một lực lượng lao động chất lượng cao, có khả năng thích nghi với công nghệ và hình thức làm việc mới. Các ngành đào tạo đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu này.
Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo cùng với đẩy mạnh phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Việc đầu tư và phát triển ngành Giáo dục và Đào tạo là quyết định đúng đắn, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và đóng góp cho sự phát triển bền vững của tỉnh. Để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu hội nhập, việc đào tạo nguồn nhân lực được tiến hành thông qua cụ thể hóa các mục tiêu phù hợp với nhu cầu thực tế.
Đào tạo nguồn nhân lực cho hội nhập
Năm học 2023 – 2024 đánh dấu bước quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo tại tỉnh Bình Dương khi Trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) khai giảng và tiến hành đào tạo thêm gần 1.000 sinh viên mới theo các ngành học quan trọng như: Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật cơ điện tử, Kỹ thuật phần mềm, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Điều dưỡng, Kỹ thuật điện tử – viễn thông, Kinh tế. Đây là nỗ lực nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Tiến sỹ Ngô Minh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Miền Đông chia sẻ, đơn vị đã chủ động kết nối giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đóng góp cho phát triển kinh tế khu vực. Trường tập trung vào nâng cao chất lượng đào tạo, liên kết cộng đồng và doanh nghiệp, thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Trường đã hợp tác với hơn 280 doanh nghiệp và đối tác, giúp sinh viên thích ứng nhanh với yêu cầu nghề nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Ông Ngô Minh Đức nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và truyền thông đã thay đổi bản chất của nhiều ngành công nghiệp và yêu cầu một lực lượng lao động có kiến thức, kỹ năng phù hợp. Để Bình Dương tiếp tục phát triển và hội nhập quốc tế cần đảm bảo đủ nguồn nhân lực có kiến thức sâu rộng và khả năng thích nghi với sự thay đổi liên tục trong công nghệ và kinh tế.
Trường Đại học Quốc tế Miền Đông cũng đầu tư và mở rộng hệ thống phòng thí nghiệm, thực hành phục vụ các hoạt động giảng dạy – học tập – nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học cho giảng viên, sinh viên. Trong năm học mới, đơn vị tiếp tục cải tiến các chương trình đào tạo, khẳng định ưu thế nổi bật của nhà trường là đặt chuẩn tiếng Anh IELTS tối thiểu 6.0 nhằm nâng cao chất lượng đầu ra của sinh viên tốt nghiệp. Nhà trường cũng có kế hoạch mở thêm ngành Kỹ thuật Điện tử viễn thông, phát triển đào tạo khối ngành Khoa học sức khỏe nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tại Bình Dương nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, góp phần giải quyết bài toán khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Tân sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm, Khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Quốc Tế Miền Đông) Trương Châu Phước Lộc chia sẻ, qua những buổi học đầu tiên, em và các bạn có nhiều cơ hội tiếp cận với môi trường tiếng Anh chuyên nghiệp, được giao tiếp, học tập ngôn ngữ từ các giáo viên bản xứ. Qua đó thỏa lòng đam mê của bản thân, giúp em tiếp cận với văn hóa năng động của các công ty, tập đoàn đa quốc gia trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay.
Ông Nguyễn Trọng Luật, Giám đốc Điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cicor Vietnam (trụ sở tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) đánh giá cao Trường Đại học Quốc tế Miền Đông với vai trò là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Bình Dương trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những nỗ lực này thể hiện sự cam kết của trường và tỉnh trong việc phát triển lực lượng lao động sáng tạo, thích nghi và có kiến thức chuyên môn hội nhập nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp. Sự hợp tác giữa giáo dục, doanh nghiệp và Nhà nước là sự kết nối tích cực góp phần phát triển bền vững của tỉnh Bình Dương.
Theo ông Nguyễn Trọng Luật, sinh viên – những nhân lực chất lượng cao được kỳ vọng trong thời gian tới, cần trải nghiệm thực tế, tìm kiếm cơ hội để tham gia vào các dự án nghiên cứu thực tập cụ thể tại những doanh nghiệp, trung tâm đào tạo để bổ sung vào hồ sơ xin việc. Qua đó, thu hút được nhà tuyển dụng khó tính, đòi hỏi kiến thức cao trong thời kỳ hội nhập hiện nay.
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Lễ khai giảng năm học 2023 – 2024 – Trường Đại học Quốc tế Miền Đông