Biến đổi khí hậu làm gia tăng bất bình đẳng sức khỏe trẻ em tại Việt Nam

Nghiên cứu mới từ giảng viên EIU cho thấy nghèo đói là “cầu nối” giữa thiên tai và tỷ lệ tử vong trẻ em.

Biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là nguyên nhân sâu xa làm gia tăng bất bình đẳng xã hội, đặc biệt đối với sức khỏe của trẻ em, thông qua kênh truyền dẫn làm gia tăng nghèo đói. Đó là kết luận quan trọng từ một nghiên cứu được công bố trên tạp chí quốc tế Economic Change and Restructuring (SSCI, Q1)*, do TS Huỳnh Công Minh – Phó Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh và ThS Trần Bảo Khuyên – giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU),  thực hiện.

Trẻ em nghèo là nhóm dễ tổn thương nhất trước thiên tai vì các em không chỉ thiếu nơi trú ẩn an toàn mà còn ít có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, tiêm chủng và dinh dưỡng cơ bản,” – ThS. Trần Bảo Khuyên chia sẻ.

TS Huỳnh Công Minh - Tác giả chính của nghiên cứu

TS Huỳnh Công Minh – Phó Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh – Tác giả chính của nghiên cứu

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng sức khỏe trẻ em như thế nào?

Dựa trên dữ liệu từ 63 tỉnh thành tại Việt Nam giai đoạn 2006 – 2023, nhóm nghiên cứu đã phân tích tác động của biến đổi khí hậu (đo bằng tổn thất và tử vong do thiên tai) đến tỷ lệ tử vong ở trẻ em, với trọng tâm là hai chỉ số: Tỷ lệ tử vong sơ sinh (IMR); Tỷ lệ tử vong dưới 5 tuổi (U5MR). Kết quả cho thấy:

Biến đổi khí hậu làm tăng tỷ lệ nghèo, đặc biệt tại các tỉnh ven biển, vùng nông thôn và nơi có sinh kế phụ thuộc vào nông nghiệp. Tỷ lệ nghèo cao dẫn đến bất bình đẳng sức khỏe rõ rệt ở trẻ em, thông qua việc hạn chế tiếp cận chăm sóc y tế, tiêm chủng, nước sạch và dinh dưỡng.

Nghèo đói đóng vai trò trung gian: Biến đổi khí hậu không chỉ tác động trực tiếp đến sức khỏe trẻ em, mà còn gián tiếp làm gia tăng tử vong trẻ nhỏ thông qua nghèo hóa cộng đồng.

Tác động này mạnh mẽ hơn ở trẻ dưới 5 tuổi – nhóm đặc biệt nhạy cảm trước thay đổi môi trường và điều kiện sống.

Cần tiếp cận liên ngành để bảo vệ trẻ em trước thiên tai

Để giảm thiểu bất bình đẳng sức khỏe trẻ em trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các chính sách y tế, môi trường và giảm nghèo cần phối hợp chặt chẽ. Trong đó, đầu tư vào tiêm chủng, hạ tầng y tế và hệ thống nước sạch là chìa khóa. Ngoài ra, để giảm tác động qua kênh trung gian đói nghèo, các chính sách cần tập trung vào tăng trưởng kinh tế, cải thiện chất lượng quản trị, nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục và tạo việc làm”– TS. Huỳnh Công Minh nhấn mạnh.

Bên cạnh các phát hiện chính, nhóm tác giả cũng đưa ra khuyến nghị cần ưu tiên giảm nghèo tại các địa phương dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường năng lực cho hệ thống y tế cơ sở và mở rộng các chương trình tiêm chủng nhằm bảo vệ trẻ em trước nguy cơ dịch bệnh và suy dinh dưỡng. Ngoài ra, các chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu cần được thiết kế trên nguyên tắc công bằng xã hội, tập trung hỗ trợ những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất – đặc biệt là trẻ em và phụ nữ.

*Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Economic Change and Restructuring (SSCI Q1) vào tháng 9/2024.