Ngành đào tạo: Kinh tế
Tên chương trình: Kinh tế Học và Khoa học Dữ liệu
(Economics and Data Science)
Trình độ đào tạo: Đại học
Mã số ngành đào tạo: 7310101
Tên văn bằng: Cử nhân Kinh tế
(Bachelor of Economics)
Loại hình đào tạo: Chính quy
Đơn vị đào tạo: Khoa Quản trị kinh doanh

Ngành Kinh tế của Trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) cung cấp cho người học hệ thống kiến thức cơ bản, chuyên sâu về kinh tế học và phân tích dữ liệu ứng dụng trong kinh tế. CTĐT hướng đến giúp người học phát triển tư duy, năng lực phân tích dữ liệu và chính sách kinh tế, trọng tâm là trong phân tích hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực, và chính sách của các doanh nghiệp, bệnh viện, chính quyền, và tổ chức quốc tế; khả năng làm việc độc lập và sáng tạo, khả năng phối hợp làm việc trong môi trường đa văn hóa, có thể đưa ra các quyết định về kinh tế và chính sách ở các cấp độ khác nhau phù hợp bối cảnh xã hội hiện đại.

Sinh viên được học lý thuyết gắn liền với thực hành và trải nghiệm thực tiễn nhằm có đủ năng lực và phẩm chất để trở thành chuyên viên, nghiên cứu viên, chuyên gia xử lý và phân tích số liệu, chuyên gia tư vấn; tự khởi nghiệp hoặc trở thành nhà quản lý trong các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế.

CTĐT được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Sinh viên được đào tạo tiếng Anh tại Trung tâm Ngoại ngữ của Trường để đảm bảo 100% đạt trình độ IELTS tối thiểu 6.0 trước khi vào học kiến thức ngành.

Các chuyên ngành

Chuyên ngành Kinh tế học ứng dụng

Chuyên ngành Kinh tế học ứng dụng mang đến cho sinh viên những kiến thức chuyên sâu về kinh tế học để ứng dụng giải quyết các vấn đề đang đặt ra trong nền kinh tế thị trường hiện đại. Sinh viên sẽ áp dụng các lý thuyết kinh tế để phân tích, dự báo kết quả các hoạt động khác nhau từ hành vi người tiêu dùng đến quyết định của doanh nghiệp, từ vấn đề của các nền kinh tế mới nổi đến quyết định của những quốc gia dẫn đầu. Đồng thời, với các kiến thức cơ bản và chuyên sâu mang tính cập nhật trong bối cảnh của nền kinh tế số như: Kinh tế học nâng cao và ứng dụng, Kinh tế học hành vi, Phân tích chính sách, Kinh tế lượng, Machine Learning, Mô tả dữ liệu với Python, R trong khoa học dữ liệu, GIS ứng dụng trong kinh tế và các chuyên đề phân tích dữ liệu, sinh viên chuyên ngành Kinh tế học ứng dụng sẽ áp dụng các kiến thức kinh tế và kỹ năng phân tích định lượng trong quá trình học tập để giải quyết một cách khoa học các vấn đề thực tiễn từ hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức, ngành, địa phương và nền kinh tế.

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế học ứng dụng có thể đảm nhận công việc và trở thành nhà quản lý, chuyên viên tư vấn, phân tích thị trường, phân tích chính sách, phân tích dữ liệu, nghiên cứu viên,…

Chuyên ngành Kinh tế quốc tế

Chuyên ngành Kinh tế quốc tế nghiên cứu sự liên kết, tác động, phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia thông qua các hoạt động thương mại, đầu tư, giao dịch quốc tế và sự dịch chuyển của các nguồn lực trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tại EIU, chuyên ngành này được thiết kế theo hướng liên ngành nhằm mang đến cho người học năng lực kết hợp giữa lý thuyết kinh tế và khoa học dữ liệu. Với các kiến thức cơ bản và chuyên sâu mang tính cập nhật trong bối cảnh toàn cầu hóa và kỷ nguyên số như: Kinh tế quốc tế, Thương mại quốc tế, Kinh tế học tài chính quốc tế, Kinh tế lượng, Phương pháp thực nghiệm nâng cao trong kinh tế quốc tế, Machine Learning, Mô tả dữ liệu với Python, R trong khoa học dữ liệu, GIS ứng dụng trong kinh tế và các chuyên đề phân tích dữ liệu trong kinh tế, sinh viên chuyên ngành Kinh tế quốc tế có được góc nhìn toàn diện và năng lực phân tích, đánh giá tác động của thương mại, đầu tư, sự điều chỉnh chính sách của các quốc gia và các biến động quốc tế đến nền kinh tế, ngành kinh tế và doanh nghiệp, trên cơ sở đó đưa ra các khuyến nghị và quyết định phù hợp với vị trí đảm nhận sau khi tốt nghiệp.

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này có thể đảm nhận công việc và trở thành nhà quản lý, chuyên viên phân tích thị trường và tư vấn chính sách trong lĩnh vực thương mại, đầu tư quốc tế; phân tích và tư vấn các dự án quốc tế; tham gia triển khai các dự án kinh doanh quốc tế; nghiên cứu phát triển thị trường, xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại và đầu tư;…

Chuyên ngành Phân tích dữ liệu kinh tế

Chuyên ngành Phân tích dữ liệu kinh tế trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng cần thiết để phân tích dữ liệu kinh tế và ứng dụng khoa học dữ liệu để đánh giá và hỗ trợ các quyết định kinh doanh, chính sách, cũng như giải thích các hiện tượng kinh tế dựa trên các bằng chứng từ phân tích dữ liệu. Bên cạnh các môn học cung cấp kiến thức cơ bản và chuyên sâu về kinh tế học, sinh viên lựa chọn chuyên ngành này còn được trang bị các kiến thức có tính cập nhật và ứng dụng cao trong bối cảnh của nền kinh tế số như: Machine Learning, Mô tả dữ liệu với Python, R trong khoa học dữ liệu, GIS ứng dụng trong kinh tế, Phân tích dữ lớn trong kinh tế, Khai phá dữ liệu trong kinh tế, Phân tích mạng lưới (Network Analysis), Tư vấn phân tích dữ liệu (Data Analytics Consulting), các chuyên đề phân tích dữ liệu,… Vì vậy, sinh viên có được năng lực và phương pháp đánh giá các chính sách, phân tích và dự báo xu hướng kinh tế, giải thích các hiện tượng kinh tế và phân tích các mối quan hệ đa chiều giữa các công ty, tổ chức, nhà hoạch định chính sách và các tác nhân khác trong xã hội.

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Phân tích dữ liệu kinh tế có thể đảm nhận công việc và trở thành nhà quản lý, chuyên viên phân tích dữ liệu, phân tích và tư vấn kinh tế trong các doanh nghiệp, tổ chức hoặc trở thành nhà tư vấn và cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu kinh tế chuyên nghiệp.

Chuyên ngành Kinh tế học sức khỏe

Y tế và chăm sóc sức khỏe là ngành có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên cả phương diện kinh tế và xã hội. EIU hướng đến mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kinh tế và khoa học sức khỏe. Chuyên ngành Kinh tế học sức khỏe là bước tiên phong của EIU trong chương trình đào tạo cử nhân kinh tế ở Việt Nam và kế thừa tinh hoa từ các nền giáo dục tiên tiến, hàng đầu thế giới như Mỹ, Anh, Đức, Úc, Singapore. Bên cạnh các kiến thức cơ bản và chuyên sâu về kinh tế học và khoa học dữ liệu ứng dụng, các chủ đề trọng tâm trong chuyên ngành này bao gồm: Phân tích kinh tế về chính sách sức khỏe, Đánh giá kinh tế sức khỏe (Health Economic Evaluation), Kinh tế và tài chính trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ, Khai phá dữ liệu trong y tế (Data Mining with Applications to Health Care), Chuyên đề phân tích dữ liệu trong kinh tế sức khỏe (Topical Data Analysis in Health Economics). Vì vậy, sinh viên học chuyên ngành này có năng lực đánh giá chính sách y tế – sức khỏe; phân tích, đánh giá và ra quyết định phân bổ nguồn lực hiệu quả trong các bệnh viện, cơ sở y tế; tham gia vận hành của hệ thống y tế và đóng góp vào việc xây dựng chiến lược, chính sách phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe, y tế.

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế học sức khỏe có thể đảm nhận công việc và trở thành nhà quản lý, chuyên viên phân tích, tư vấn trong các tổ chức và lĩnh vực như: ngành y tế, công nghiệp dược phẩm, bệnh viện, tổ chức y tế cộng đồng, các tổ chức quản lý chăm sóc sức khỏe, các tập đoàn bảo hiểm, các tổ chức y tế …

Học phí: 46.000.000 đồng/năm*

*Học phí không thay đổi trong suốt niên khóa. Học phí chưa bao gồm học phí tiếng Anh trong năm đầu tiên (nếu có).

ĐỀ ÁN MỞ NGÀNH

  • Tính liên ngành: trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, mọi hoạt động kinh tế đều có thể và cần được số hóa để nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực. Nhà quản lý luôn mong muốn đưa ra quyết định kịp thời và phù hợp dựa trên cơ sở khoa học trong môi trường luôn biến động. Chính vì vậy, CTĐT được thiết kế không chỉ cung cấp kiến thức cơ bản và chuyên sâu của ngành kinh tế học mà còn kết hợp với ngành công nghệ thông tin, đặc biệt là khoa học dữ liệu. Sinh viên ra trường có tư duy và kỹ năng của cả nhà kinh tế lẫn nhà phân tích dữ liệu.
  • Học đi đôi với hành và trải nghiệm thực tiễn: Sinh viên được trang bị kiến thức của 03 trụ cột chính: toán – thống kê, kinh tế học – kinh tế lượng, và khoa học dữ liệu, để ứng dụng vào thực tiễn thông qua những dự án với khu vực tư và khu vực công nhằm giải quyết những vấn đề thực tế của doanh nghiệp, địa phương, ngành, quốc gia, và liên quốc gia.
  • Linh hoạt và mang đến các cơ hội học tập gắn với định hướng nghề nghiệp của sinh viên: CTĐT được thiết kế mạch lạc, linh hoạt và theo hệ thống tín chỉ. Sinh viên được tư vấn để lựa chọn chiến lược học tập phù hợp với năng lực, tố chất và kỳ vọng nghề nghiệp trong tương lai. Sau khi kết thúc năm học thứ 3, sinh viên có thể chọn 1 trong 4 chuyên ngành chuyên sâu, bao gồm: Kinh tế học ứng dụng, Kinh tế quốc tế, Phân tích dữ liệu kinh tế, và Kinh tế học sức khỏe.
  • Cập nhật và hiện đại: CTĐT được thiết kế trên cơ sở tham khảo, đối sánh với các CTĐT kinh tế học của trường đại học lớn trên thế giới như Portland State, NUS,… và cập nhật những xu hướng mới trong việc ứng dụng công nghệ, phần mềm, ngôn ngữ phân tích dữ liệu trong kinh tế. Đồng thời, chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh bảo đảm sinh viên được chuyển tiếp học ở các bậc cao hơn ở các đại học trên thế giới, được tiếp cận với kiến thức tiên tiến và hiện đại của ngành và chuyên ngành.

Sau khi hoàn thành chương trình học, sinh viên đạt được

PLO1. Vận dụng được các kiến thức cơ bản về khoa học chính trị, giáo dục quốc phòng, khoa học xã hội, pháp luật và nhà nước, giáo dục thể chất, và các kiến thức giáo dục đại cương trong học tập, công việc và cuộc sống.

PLO2. Áp dụng các nguyên lý, lý thuyết, mô hình, và phương pháp phân tích – nghiên cứu kinh tế để giải quyết các vấn đề thực tiễn và đưa ra những quyết định hiệu quả trong nền kinh tế thị trường hiện đại.

PLO3. Áp dụng các phương pháp định lượng và khoa học dữ liệu, bao gồm toán – thống kê – kinh tế lượng và máy học thích hợp vào phân tích số liệu trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội.

PLO4. Xây dựng và triển khai các phương pháp thu thập dữ liệu thích hợp cho các nguồn dữ liệu kinh tế – xã hội và chính sách của Việt Nam và thế giới.

PLO5. Phân tích, đánh giá và đề xuất chính sách dựa trên các nguyên lý kinh tế và bằng chứng thực nghiệm từ kết quả phân tích dữ liệu.

PLO6. Có kỹ năng sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu hiện đại, các phần mềm (Stata, GIS,…) và các ngôn ngữ lập trình (R, Python) để quản lý, mô tả, phân tích dữ liệu kinh tế – xã hội và diễn giải kết quả bằng ngôn ngữ, hình ảnh, đồ họa.

PLO7. Có khả năng kết hợp lý thuyết và kết quả phân tích để đưa ra khuyến nghị chính sách; phân tích tác động của chính sách, phản biện và đánh giá hiệu quả việc thực thi chính sách.

PLO8. Biết phát triển và sử dụng tư duy phản biện, tư duy logic, tư duy đổi mới sáng tạo; và kỹ năng lãnh đạo.

PLO9. Sử dụng các kỹ năng giao tiếp và truyền thông, ngoại ngữ, công nghệ thông tin để làm việc trong môi trường toàn cầu, đa văn hóa; kỹ năng quản lý thời gian; và kỹ năng đánh giá chất lượng công việc sau khi hoàn thành.

PLO10. Có tinh thần trách nhiệm, năng lực làm việc độc lập và làm việc theo nhóm trong môi trường làm việc đa dạng, đa văn hóa và quốc tế.

PLO11. Có ý thức cao về phát triển bản thân, nghề nghiệp, và khả năng học tập suốt đời.

PLO12. Có tinh thần cầu thị, khiêm tốn, tự tin, và trung thực trong học tập, nghiên cứu, và làm việc.

Ngoại Ngữ: Sinh viên ngành Kinh tế để tốt nghiệp phải đạt yêu cầu tiếng Anh IELTS tối thiểu 6.0..

Thực hành, Thực tập

Sinh viên có thể sử dụng cơ sở vật chất, dữ liệu, số liệu phục vụ nghiên cứu, giảng dạy các học phần, môn học, thực hành, thực tập,… trong CTĐT tại các doanh nghiệp, bệnh viên như :

  • Tổng công ty Becamex,
  • Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore,
  • Công ty cổ phần và công nghệ truyền thông VNTT,
  • Bệnh viện quốc tế Becamex,
  • Trung tâm điều hành Thành phố thông minh,…

Sinh viên sau khi hoàn thành CTĐT Kinh tế học và Khoa học dữ liệu có đủ năng lực tham gia thị trường lao động và làm việc trong những lĩnh vực chính sau:

  • Làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài nước (bao gồm các ngân hàng, công ty chứng khoán, các tổ chức tài chính, … gọi chung là doanh nghiệp) với vai trò là nhân sự thực hiện: tổ chức thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu về việc sử dụng các nguồn lực, khách hàng, thị trường, kết quả hoạt động của doanh nghiệp, hiệu quả đầu tư của dự án; phân tích biến động của ngành và thị trường; phân tích các tác động của chính sách thương mại, đầu tư và kinh tế thế giới đến hoạt động của doanh nghiệp.
  • Làm việc trong các tổ chức nghiên cứu và tư vấn độc lập với vai trò là chuyên viên, chuyên gia phân tích dữ liệu và chính sách kinh tế, cung cấp dịch vụ tư vấn chính sách cho doanh nghiệp và các tổ chức.
  • Làm việc với vai trò là chuyên viên, nhà quản lý trong các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế như: phòng kinh tế quận/huyện, sở kế hoạch và đầu tư, sở công thương, sở tài chính, ngân hàng nhà nước, UBND các cấp và các cơ quan hoạch định và quản lý chính sách kinh tế của trung ương đảm nhận công việc thiết lập, vận hành công cụ, hệ thống thu thập, phân tích dữ liệu và đề xuất chương trình, dự án, chính sách về phát triển kinh tế, xã hội.
  • Làm việc trong các trường đại học, cao đẳng với vai trò là nghiên cứu viên, trợ giảng và tiến tới trở thành giảng viên giảng dạy kinh tế học, kinh tế lượng, toán thống kê, khoa học dữ liệu; hoặc làm nghiên cứu viên trong các viện, trung tâm nghiên cứu.
  • Độc lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ đào tạo hoặc tư vấn phân tích dữ liệu kinh tế, ứng dụng các nền tảng công nghệ thu thập và phân tích dữ liệu trong hoạt động kinh tế, kinh doanh.

Chương trình đào tạo ngành Kinh tế sẽ được tuyển sinh từ niên khóa 2023-2024, với kỳ vọng đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động năng động và ngày càng mở rộng trong khu vực. Trong đó, đối tượng tuyển sinh là học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tương đương, có đủ sức khoẻ và thực hiện đầy đủ các thủ tục theo Quy chế tuyển sinh hàng năm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và đề án tự chủ tuyển sinh hàng năm của Trường Đại học Quốc tế Miền Đông. Tổng chỉ tiêu dự kiến cho khóa đầu tiên (năm học 2023-2024) là 100, và sẽ tăng dần trong 5-10 năm tới theo lộ trình phát triển của Trường.

Đối tượng dự tuyển:

–    Đã được công nhận tốt nghiệp THPT của Việt Nam hoặc có bằng tốt nghiệp của nước ngoài được công nhận trình độ tương đương;

–    Đã có bằng tốt nghiệp trung cấp ngành nghề thuộc cùng nhóm ngành dự tuyển và đã hoàn thành đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa cấp THPT theo quy định của pháp luật (tham gia và hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm hiện hành).

Đối tượng dự tuyển phải đáp ứng các điều kiện sau:

–    Đạt ngưỡng đầu vào theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học trong năm dự tuyển;

–    Có đủ sức khỏe để học tập;

–    Có đủ thông tin cá nhân, hồ sơ dự tuyển theo quy định.

  1. Phương thức

–    Trường tổ chức xét tuyển bằng các phương thức chính sau: phương thức xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; phương thức xét tuyển theo kết quả học tập trong học bạ THPT; phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia – Tp.Hồ Chí Minh; và phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển.

– Thông tin về đối tượng tuyển sinh, phạm vi tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, điều kiện nhận hồ sơ, nguyên tắc xét tuyển và các thông tin cần thiết cho thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành của Trường được quy định cụ thể trong Đề án tuyển sinh của Trường được công bố mỗi năm.

Xem các thông tin tuyển sinh tại: Tuyển sinh EIU